Khối u tuyến thượng thận – Hiểu đúng để phát hiện và điều trị kịp thời
U tuyến thượng thận là một bệnh lý u hiếm gặp phát triển bên trong tuyến thượng thận. Phần lớn các bệnh u tuyến thượng thận là lành tính, tuy nhiên, một số ít có thể là khối u ác tính. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 50. Khối u phát triển từ tuyến thượng thận, một tuyến nội tiết của cơ thể, nên có thể gây thay đổi các hormone làm ảnh hưởng đến các cơ quan và gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân khối u tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nằm ở phía trên thận hia bên có nhiệm vụ sản xuất các hormon để điều hòa cơ thể như cân bằng nước - điện giải của cơ thể, chống stress, điều hòa huyết áp…U tuyến thượng thận thường là u lành tính, một bệnh lý hiếm gặp chưa biết rõ nguyên nhân.Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ và tình trạng di truyền nhất định có liên quan đến việc tăng khả năng phát triển khối u tuyến thượng thận như:
Bệnh đa nang adenomatous (FAP). Đây là một tình trạng hiếm gặp đặc trưng bởi sự hiện diện của hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn polyp không ung thư (tăng trưởng) trong ruột già và đường hô hấp trên.
Nhiều tuyến nội tiết (MEN1). Trong rối loạn di truyền hiếm gặp này, các khối u không ung thư hình thành trong hệ thống nội tiết. Đó là một mạng lưới các tuyến sản xuất và giải phóng hormone giúp kiểm soát nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.
Một số rối loạn di truyền gây ra nguy cơ mắc bệnh như: U tân sinh đa tuyến nội tiết, u sợi thần kinh...
ThS.BSNT. Nguyễn Thị Việt Trinh – Khoa Ngoại tổng hợp tư vấn cho bệnh nhân sau phẫu thuật u tuyến thượng thận
Triệu chứng của u tuyến thượng thận
U tuyến thượng thận phụ thuộc vào việc khối u có tiết hormone hay không. U không chức năng thường không có triệu chứng, phát hiện tình cờ. U chức năng thường gây ra các triệu chứng liên quan đến sự mất cân bằng hormone và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Các dấu hiệu nhận biết u tuyến thượng thận bao gồm:
Tăng huyết áp đột ngột: Người bệnh thường bị các cơn tăng huyết áp kịch phát, có thể lên tới 250 - 280 mmHg/120 - 140 mmHg. Các cơn tăng huyết áp này xảy ra đột ngột và kéo dài từ vài phút đến vài giờ, gây mệt mỏi, trụy mạch.
Nhịp tim nhanh: Tim đập nhanh trên 100 nhịp mỗi phút, đôi khi lên tới 140-180 nhịp mỗi phút, có thể đi kèm cảm giác bồn chồn và lo lắng.
Mồ hôi và lạnh người: Cơ thể vã mồ hôi, đặc biệt vào ban đêm, kèm theo cảm giác lạnh người, xanh xao.
Đau đầu dữ dội: Người bệnh có thể gặp phải các cơn đau đầu nghiêm trọng, đôi khi kèm theo buồn nôn hoặc khó thở.
Rối loạn tiêu hóa: U tuyến thượng thận cũng có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón, ăn uống không ngon miệng, và thay đổi cân nặng bất thường.
Thay đổi hormone: Ở phụ nữ, có thể xuất hiện hiện tượng rụng tóc, mất chu kỳ kinh nguyệt. Đối với nam giới, quá nhiều estrogen có thể gây giảm ham muốn tình dục.
Biến chứng của u tuyến thượng thận
U tuyến thượng thận có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các biến chứng tiềm ẩn thường phụ thuộc vào tính chất khối u (lành tính hoặc ác tính) và mức độ sản xuất hormone của tuyến thượng thận.
Khối u lành tính có thể gây nên những biến chứng như:
Tăng huyết áp: Các khối u sản xuất hormone như aldosterone và cortisol có thể gây tăng huyết áp kéo dài, dẫn đến các vấn đề về tim mạch, suy tim hoặc đột quỵ.
Rối loạn điện giải: U tuyến thượng thận có thể gây mất cân bằng các chất điện giải quan trọng như natri và kali, dẫn đến tình trạng yếu cơ, rối loạn nhịp tim, hoặc tê liệt cơ bắp.
Chèn ép cơ quan lân cận: Khi khối u phát triển lớn, nó có thể gây chèn ép lên các cơ quan gần đó như thận, ruột hoặc các mạch máu lớn, làm suy giảm chức năng của các cơ quan này.
Khối u ác tính tính có thể gây nên biến chứng nguy hiểm như:
Ung thư tuyến thượng thận: Khối u ác tính có khả năng xâm lấn và di căn sang các cơ quan khác như gan, phổi hoặc xương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Xuất huyết trong ổ bụng: Khối u có thể phát triển và vỡ, gây xuất huyết nặng trong ổ bụng, đây là một tình trạng cấp cứu cần can thiệp ngay lập tức.
Tăng nguy cơ tử vong: Các biến chứng do u ác tính có thể làm suy giảm chức năng nội tiết, tăng khả năng tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Chẩn đoán u tuyến thượng thận
Chẩn đoán u tuyến thượng thận là một quá trình quan trọng để xác định đặc điểm và bản chất của khối u, giúp đưa ra phương án điều trị phù hợp. Các phương pháp chẩn đoán thường được áp dụng bao gồm:
• Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tìm hiểu về triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và thực hiện các kiểm tra cơ bản.
• Chẩn đoán hình ảnh: Sử dụng các phương pháp như chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện kích thước và đặc điểm khối u.
• Xét nghiệm máu: Đo nồng độ các hormone như cortisol, aldosterone, catecholamines để xác định sự bất thường.
• Sinh thiết: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết để xác định u lành tính hay ác tính.
Quá trình chẩn đoán thường được thực hiện bởi các chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác, giúp đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị u tuyến thượng thận
Tùy vào bản chất khối u lành tính hay ác tính, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp với mỗi người bệnh.
Theo dõi: Áp dụng cho các khối u nhỏ (<4 cm), không chức năng, không có dấu hiệu ác tính.
Điều trị nội khoa: Sử dụng trước phẫu thuật để kiểm soát huyết áp.Trong trường hợp không thể phẫu thuật hoặc u ác tính
Phẫu thuật: bao gồm phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi là phương pháp phổ biến nhất đối với các trường hợp u lành tính.
Bệnh viện Bãi Cháy làm chủ phẫu thuật nội soi điều trị u tuyến thượng thận
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, phẫu thuật nội soi cắt tuyến thượng thận thường được lựa chọn điều trị các khối u nhỏ và không di căn. Phẫu thuật u tuyến thượng thận qua nội soi mang đến nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phẫu thuật mở truyền thống. Ứng dụng công nghệ nội soi tiên tiến, các bác sĩ có thể tiếp cận tuyến thượng thận ở vị trí sâu trong khoang bụng một cách dễ dàng hơn. Hình ảnh phóng đại từ camera nội soi giúp bác sĩ quan sát rõ ràng cấu trúc khối u, thực hiện bóc tách u an toàn, loại bỏ khối u chính xác, bảo tồn chức năng tuyến thượng thận và các cơ quan lân cận, hạn chế mất máu và giảm nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng hậu phẫu, rút ngắn thời gian nằm viện, đảm bảo tính thẩm mỹ với đường mổ nhỏ ít xâm lấn và giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại với sinh hoạt bình thường. Đối với các khối u lớn hơn hoặc u ác tính, phẫu thuật mổ mở có thể được sử dụng.
Ngoài ra, với các khối u ác tính đã lan rộng ra các cơ quan khác, các phương pháp như hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp nhắm trúng đích sẽ được áp dụng để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể kết hợp các phương pháp điều trị để đạt hiệu quả tốt hơn. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Tiên lượng sau điều trị
• Khối u lành tính: Tiên lượng cho các khối u lành tính thường rất tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị như theo dõi định kỳ, phẫu thuật cắt bỏ có thể giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.
• Khối u ác tính: Đối với khối u ác tính, tiên lượng phụ thuộc vào giai đoạn bệnh khi phát hiện. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị bằng phẫu thuật kết hợp xạ trị, hóa trị, bệnh nhân có thể kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khối u đã di căn sẽ khiến tiên lượng xấu hơn.
Việc theo dõi và thăm khám định kỳ sau điều trị là rất quan trọng để phòng ngừa tái phát và quản lý các biến chứng lâu dài. Bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, kiểm soát tốt huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác để tăng khả năng sống sót và giảm thiểu biến chứng.
Phòng ngừa và quản lý u tuyến thượng thận
U tuyến thượng thận là một bệnh hiếm gặp, tuy nhiên việc phòng ngừa và quản lý sau điều trị là vô cùng quan trọng để giảm thiểu nguy cơ tái phát và tránh các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa và quản lý bệnh u tuyến thượng thận hiệu quả.
Các biện pháp phòng ngừa
Khám sức khỏe định kỳ: Việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm các triệu chứng bất thường ở tuyến thượng thận. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc các yếu tố nguy cơ cao.
Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống khoa học, giảm thiểu tiêu thụ chất béo, đồ ngọt và thức ăn chế biến sẵn có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của khối u. Tăng cường tiêu thụ rau xanh, trái cây, và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
Kiểm soát huyết áp: Cao huyết áp là một yếu tố liên quan mật thiết đến u tuyến thượng thận. Việc giữ mức huyết áp ổn định thông qua lối sống và thuốc điều trị (nếu cần) có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến thượng thận. Áp dụng các biện pháp thư giãn như yoga, thiền định, và các hoạt động thể thao nhẹ nhàng để duy trì trạng thái tinh thần ổn định.
Tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư: Một số tác nhân từ môi trường như thuốc lá, hóa chất độc hại cũng có thể góp phần tăng nguy cơ mắc các loại u, bao gồm u tuyến thượng thận. Việc tránh xa những tác nhân này giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Theo dõi định kỳ: Sau điều trị, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm định kỳ để kiểm tra sự tái phát hoặc tiến triển của bệnh. Các phương pháp như xét nghiệm máu, nước tiểu và chẩn đoán hình ảnh (CT, MRI) giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe.
Duy trì thuốc điều trị: Đối với những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật hoặc liệu pháp hormone, việc sử dụng thuốc theo chỉ định là cần thiết để duy trì mức độ hormone trong cơ thể ở trạng thái cân bằng.
Việc phòng ngừa và quản lý bệnh u tuyến thượng thận không chỉ giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Sự hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ trong suốt quá trình theo dõi và điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh một cách hiệu quả.
Mạc Thảo