Tiêm phòng cúm mùa: Lợi ích và những lưu ý tiêm chủng

  • 2025/02/13 07:41

Cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm Influenza gây ra, gồm ba type chính: A, B và C. Bệnh thường bùng phát vào mùa thu - đông hoặc đông - xuân, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Dù phần lớn các trường hợp mắc cúm đều diễn biến lành tính, nhưng một số đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng cao, bao gồm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người cao tuổi trên 65, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, đôi khi dẫn đến tử vong. Tiêm phòng cúm là biện pháp chủ yếu để phòng bệnh và giảm các biến chứng liên quan đến cúm.

Cúm mùa: Triệu chứng và những biến chứng 

Bệnh cúm lây lan chủ yếu qua các giọt bắn từ người nhiễm bệnh khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, gây ra các triệu chứng đặc trưng như sốt cao trên 38 độ C, đau nhức cơ thể, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi và viêm họng. Một số người có thể bị nôn, tiêu chảy, mặc dù tình trạng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.


Người bệnh cúm mùa được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy

Hầu hết những người mắc cúm mùa sẽ hồi phục sau vài ngày đến 2 tuần, nhưng một số người có thể bị biến chứng do cúm, thậm chí đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tử vong. Nhiễm trùng xoang và tai là một trong các biến chứng vừa phải do cúm gây ra và thường phải điều trị theo đơn của bác sỹ.  Viêm phổi là biến chứng vừa và nặng có thể gặp sau cúm mùa, một số rất ít trường hợp viêm phổi rất nặng có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là các trường hợp đồng nhiễm virus cúm và vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác có thể bao gồm: Viêm tim (viêm cơ tim); Viêm não hoặc Viêm cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân) và Suy đa cơ quan (như suy hô hấp, suy thận…).

Nhiễm virus cúm đường hô hấp có thể kích hoạt phản ứng viêm cực đoan trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây nên tình trạng bệnh nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Cúm cũng có thể làm cho bệnh mãn tính trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ như: người mắc bệnh hen suyễn có thể trải qua các cơn hen nặng khi bị cúm; người mắc bệnh tim mạch mãn tính có thể gặp phải tình trạng bệnh tim, mạch, tăng huyết áp tồi tệ hơn do cúm gây ra.

Tiêm phòng vắc xin cúm mùa là biện pháp phòng ngừa hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe của cả cá nhân và cộng đồng

Vaccine phòng ngừa cúm hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus cúm. Tiêm vaccine đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, nhập viện và thậm chí giảm nguy cơ tử vong liên quan đến cúm. Ngay cả khi đã tiêm vắc xin mà vẫn bị nhiễm cúm, các triệu chứng thường nhẹ hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn. Tiêm vắc xin giúp giảm nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim…Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng từ cúm, bao gồm trẻ em nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có tình trạng sức khỏe mạn tính.


Phụ nữ mang thai khi mắc cúm có nguy cơ bị biến chứng cao hơn do hệ miễn dịch suy giảm. Tiêm vắc xin giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc cúm và các biến chứng nguy hiểm như sảy thai, sinh non...

Tiêm vắc xin không chỉ giúp bảo vệ cá nhân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus cúm trong cộng đồng. Đặc biệt, điều này mang lại lợi ích to lớn cho những người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa đủ tuổi tiêm chủng, chẳng hạn như trẻ sơ sinh. Khi một tỷ lệ lớn dân số được tiêm phòng, khả năng lây nhiễm sẽ giảm đáng kể, góp phần hạn chế nguy cơ bùng phát dịch cúm và bảo vệ sức khỏe chung của toàn xã hội.

Những lưu ý tiêm phòng cúm

- Những người nên tiêm phòng cúm: Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người sau đây nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm:Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi; Người cao tuổi (thường là từ 65 tuổi trở lên); Phụ nữ mang thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ; Những người có bệnh mạn tính; Nhân viên y tế và những người chăm sóc người có nguy cơ cao bị biến chứng từ cúm…

Ở Việt Nam, dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, thường đạt đỉnh vào tháng 3- 4, tháng 9 - 10 hàng năm, có xu hướng gia tăng trong mùa Đông và mùa Xuân. Do đó, nên tiêm phòng cúm trước mùa cúm khoảng 2 tuần đến 1 tháng.

Thông thường, một mũi tiêm phòng cúm mỗi mùa là đủ bảo vệ cơ thể đến mùa cúm tiếp theo. Tuy nhiên, một số người bị suy giảm miễn dịch, như bệnh nhân ung thư đang điều trị hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch, có thể cần tiêm phòng cúm thứ hai sau 6 tháng. Việc có cần tiêm mũi phòng cúm tăng cường hay không cần có ý kiến của bác sĩ.

MT