Ung thư thanh quản: Nhận biết triệu chứng, giai đoạn và các phương pháp điều trị
Ung thư thanh quản là một trong các bệnh lý ung thư vòm mũi họng. Ung thư thanh quản thường diễn biến âm thầm, dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác nên dễ bị bỏ qua. Nhận biết và điều trị kịp thời sẽ tăng cơ hội sống, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư thanh quản.
Ung thư thanh quản là bệnh mà các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong mô thanh quản, chiếm 2% trong các căn bệnh ung thư ở nước ta. Bệnh này chủ yếu thường gặp ở nam giới, chiếm trên 90%; ở độ tuổi 50 – 70 chiếm 72%, từ 40 – 50 tuổi chiếm 12%. Song hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng được trẻ hóa và phụ nữ cũng mắc bệnh ung thư thanh quản nhiều hơn. Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư thanh quản có thể kể đến như: thuốc lá, rượu (sự phối hợp giữa rượu và thuốc lá có nguy cơ cao hơn), yếu tố nghề nghiệp (làm việc trong nhà máy hóa chất, mỏ có Nikel, Amiante, chrome...), đã bị tia xạ vùng trước cổ, nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, vitamine, viêm thanh quản mạn tính, tình trạng sừng hóa (kératore), bạch sản (leucoplasie), u nhú (papillome) của dây thanh được coi là tình trạng tiền ung thư…
Các triệu chứng và giai đoạn của ung thư thanh quản
Các triệu chứng của ung thư thanh quản phụ thuộc vào kích thước, vị trí của khối u ở thanh quản. Người bệnh ung thư thanh quản thường biểu hiện các triệu chứng như: giọng khàn, cứng, dai dẳng kéo dài và tăng dần; ho khan, ho khạc đờm nhầy lẫn máu; đau vùng cổ, trước thanh quản, có thể đau lan lên tai; khó chịu ở họng, cảm giác như có dị vật; khó thở thanh quản: khi khối u lan rộng che lấp lòng thanh quản; rối loạn về nuốt: có khi khối u lan ra ngoài thanh quản đến hạ họng gây ra nuốt vướng, nghẹn, đau, nuốt tắc…
Các giai đoạn của ung thư thanh quản như sau:
- Giai đoạn 0: Ở giai đoạn này thì các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy tại thanh quản và chưa lây sang các bộ phận khác. Nếu phát hiện ở giai đoạn này bệnh có thể điều trị thành công, nếu không được phát hiện sớm và điều trị thì chúng sẽ phát triển thành ung thư và lan rộng sang các mô bình thường.
- Giai đoạn 1: Lúc này khối u đã hình thành và cũng chỉ mới ở thanh quản chưa lây sang các cơ quan khác. Khối u ở vùng của thượng thanh môn, hoặc thanh môn, hạ thanh môn và dây thanh quản thường vẫn đi động bình thường.
- Giai đoạn 2: Khối u vẫn chỉ ở thanh quản nhưng đã có sự thay đổi ở các vị trí của khối u, lúc này dây thanh có thể không di động được nữa.
- Giai đoạn 3: Lúc này khối u đã lan rộng ngoài thanh quản.
Thượng thanh môn: Ở giai đoạn này thì khối u ở thanh quản hoặc ở mô kế thanh quản, hai dây thanh di động không bình thường, khối u lúc này có thể lan vào hạch bạch huyết ở cùng bên cổ từ chỗ xuất phát u và hạch lớn hơn 3cm.
Thanh môn: Khối u chỉ ở thanh quản và hai dây thanh không di động bình thường. Khối u có thể lan vào hạch ở cùng bên cổ với khối u xuất phát và hạch có kích thước nhỏ hơn 3cm.
Hạ thanh môn: Lúc này khối u chỉ thấy ở thanh quản, 2 dây thanh không di động bình thường, khối u có thể lan sang hạch bạch huyết ở cùng bên cổ với chỗ phát khối u và hạch có kích thước nhỏ hơn 3.
- Giai đoạn 4: lúc này các khối u đã bắt đầu xâm lấn sang các cơ quan khác, xuất hiện hạch lan rộng và với kích thước to hơn.
Phương pháp điều trị ung thư thanh quản
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, người bệnh có thể phát hiện sớm ung thư thanh quản bằng các phương pháp chẩn đoán hiện đại như nội soi, chụp phim cắt lớp vi tính (CT- Scan), sinh thiết, giải phẫu bệnh…Bệnh viện Bãi Cháy cũng là đơn vị có Trung tâm Ung bướu lớn hàng đầu tỉnh Quảng Ninh có thể thực hiện điều trị ung thư đa mô thức với phẫu thuật, xạ trị, hóa chất…
Điều trị bệnh ung thư thanh quản phụ thuộc vào vị trí, kích thước và mức độ di căn của khối u. Điều trị có thể bao gồm một hoặc tất cả liệu pháp bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Phẫu thuật ung thư thanh quản tại Bệnh viện Bãi Cháy
Phẫu thuật: Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ tất cả hoặc càng nhiều tế bào ung thư càng tốt trong khi không làm tổn thương các mô hoặc cơ quan khác gần khối u. Bác sĩ Doãn Chiến Thắng – Khoa Ung bướu 2, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Việc lựa chọn phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần hay bán phần phụ thuộc vào vị trí, kích thước khối u và mức độ lan rộng của tế bào ung thư. Phẫu thuật cắt thanh quản bán phần là giải pháp tối ưu được chỉ định trong những trường hợp ung thư giai đoạn sớm, chưa di căn xa nhằm lấy bỏ khối u thanh quản, cắt một phần thanh quản, giúp bảo tồn một phần chức năng nói và ít gây ảnh hưởng đến chức năng nuốt. Do độ khó, tính phức tạp và chuyên sâu nên phương pháp phẫu thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên phải giàu kinh nghiệm, thao tác chuẩn xác để tránh các biến chứng nguy hiểm liên quan đến cắt thanh quản bán phần như: nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương khí quản, thực quản, tái phát ung thư…”
- Xạ trị : Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Bức xạ có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị duy nhất hoặc kết hợp với phẫu thuật và/ hoặc hóa trị. Ung thư thanh quản giai đoạn đầu có thể được điều trị bằng tia xạ đơn thuần. Xạ trị như một liệu pháp bổ trợ có thể được sử dụng sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát. Xạ trị còn được sử dụng cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc bệnh ung thư đã tiến triển nặng với mục đích là kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như đau và chảy máu.
Hệ thống xạ trị điều biến liều điều trị cho bệnh nhân ung thư thanh quản
- Hóa chất: Hóa trị là sử dụng các loại thuốc chống ung thư bằng đường truyền qua tĩnh mạch hoặc bằng đường uống để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị được sử dụng để điều trị ung thư thanh quản nếu nó đã lan rộng (di căn) hoặc nếu ung thư không được loại bỏ hoàn toàn trong khi phẫu thuật.
Khuyến cáo đối với ung thư thanh quản
Để phòng chống ung thư thanh quản, các chuyên gia khuyến cáo: nên ngừng sử dụng thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc. Sử dụng rượu là một yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản. Đặc biệt là rượu có khả năng làm tăng đáng kể hiệu quả gây ung thư trong khói thuốc lá, do đó, cần đặc biệt tránh sự kết hợp của việc uống rượu và hút thuốc để có thể ngăn ngừa ung thư thanh quản hiệu quả.
- Giữ vệ sinh răng miệng không chỉ giúp bạn có một hàm răng khỏe mạnh mà còn giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh ung thư vùng đầu cổ. Đây là một trong những cách phòng bệnh ung thư thanh quản đơn giản mà hiệu quả.
- Hạn chế ăn các thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ muối ( rau, củ, quả muối). Tích cực ăn các thực phẩm tươi, chế độ ăn nhiều rau xanh, thực phẩm giàu vitamin.
- Khám sức khỏe định kỳ: Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe là rất quan trọng, nhất là với những người trong độ tuổi 40 – 50. Nếu có dấu hiệu khàn tiếng kéo dài quá 2 tuần và không có chuyển biến dù đã dùng những thuốc kháng viêm thông thường thì cần đi khám để tìm ra nguyên nhân cũng như cách điều trị phù hợp.
Mạc Thảo